Bóc mẽ nước đóng chai 'nhái'

(LĐTĐ) Làm thế nào để sử dụng sản phẩm nước uống đóng chai được an toàn là điều không đơn giản, trong bối cảnh thị trường vẫn tràn ngập sản phẩm giả. Tại hội thảo “Hiểu đúng, dùng đúng sản phẩm nước uống đóng chai” gần đây của Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đã nhấn mạnh, tình trạng nhiều cơ sở sản xuất chui vẫn tồn tại khiến người tiêu dùng gặp họa, còn cơ quan chức năng thì gặp khó khăn trong công tác quản lý.

Hàng giả vẫn nhiều "đất sống"

Theo Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có trên 130 sản phẩm nước khoáng đóng chai. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều cơ sở sản xuất chui làm giả ngụy trang dưới cái tên na ná những sản phẩm có thương hiệu, ví như Aquafira nhái nhãn hàng Aquafina, Lave nhái nhãn hàng LaVie bằng cách bỏ đi chữ “i”,… khiến nhiều người tiền mất tật mang.

Theo khảo sát của phóng viên, tại các khu vực ngoại thành Hà Nội thì việc tiêu thụ các sản phẩm nhái này có vẻ mạnh hơn do người tiêu dùng có phần dễ dãi trong việc phân biệt thật giả. Thêm nữa, tâm lý tham rẻ cũng khiến nhiều người không thắc mắc gì khi mua hoặc tặc lưỡi cho qua.

Chị Phạm Hảo (xã Vĩnh Quỳnh – Thanh Trì) cho biết, do khu vực này vẫn chưa có nước sạch nên người dân phải mua nước đóng chai, nước bình về để uống và dùng cho sinh hoạt. Ở đây phổ biến là các nhãn hiệu Queen bee, minchi... bởi giá rẻ hơn so với các hãng có thương hiệu. Một chai nước nước nhái có dung tích 1,5 lít được bán 6.000-7.000 đồng thì các nhãn có tiếng bán 8.000-9.000 đồng/chai.

Còn theo tiết lộ của chị Hằng – người chuyên cung cấp nước đóng chai, nước bình thường được người dân quanh đó gọi vui là “trạm bơm nước cơ động” cho biết, một ngày chị thường chở từ 15 – 20 bình nước cho khách với giá 10.000 - 12.000 đồng. Mặc dù “nhà cung cấp” này khẳng định “Nước tôi đưa có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh, lọc bằng công nghệ ozone kỹ thuật cao...” nhưng theo tiết lộ của những người trong nghề, muốn “đạt chuẩn” thì chủ đầu tư phải bỏ ra hàng tỷ đồng cho công nghệ, còn giá sản phẩm phải gấp đôi mức giá trên mới hòa vốn.

Khẳng định tình trạng sản phẩm nước đóng chai bị làm giả, làm nhái tràn lan, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, ngay tại Hà Nội, Hội đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện không ít doanh nghiệp đăng ký sản xuất nước uống đóng chai từ nguồn nước giếng, tuy nhiên thực tế là lấy từ nguồn nước máy, cơ sở sản xuất không đảm bảo về vệ sinh. 

Người tiêu dùng không nên cam chịu

Trên thực tế, phần lớn người tiêu dùng thường lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu của các nhà sản xuất lớn, có uy tín, có dây chuyền sản xuất hiện đại. Tuy nhiên gần đây, những thông tin về dị vật trong chai nước uống của một doanh nghiệp có tiếng khiến nhiều người mất niềm tin. Chị Hải Minh (Khâm Thiên) chia sẻ: "Nên chăng nhà sản xuất có thể bố trí một loại máy móc kiểm tra chất lượng sản phẩm hoặc cử nhân viên thường trực tại siêu thị, cửa hàng để vừa chăm sóc khách hàng kịp thời lại vừa tiện cho việc tiêu dùng có thể phản ánh ngay những dấu hiệu bất thường của sản phẩm khi phát hiện".

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Hà Nội Tinh Hoa cho biết: Theo quy chuẩn kỹ thuật đối với nước uống thiên nhiên và nước uống đóng chai được quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Việc ghi nhãn nước khoáng thiên nhiên đóng chai phải tuân thủ quy định về tên sản phẩm và chỉ định sản phẩm: nước có ga tự nhiên, ít ga tự nhiên, hay không ga, bổ sung ga từ nguồn. Tên nguồn nước khoáng, khu vực nguồn nước khoáng phải được ghi rõ trên nhãn sản phẩm. Nghiêm cấm ghi nhãn về tác dụng chữa bệnh...Vì thế người tiêu dùng trước khi bỏ tiền mua sản phẩm cần tìm hiểu kỹ nhãn mác. Nếu thấy dấu hiệu về thông tin sản phẩm không đầy đủ, nhập nhèm thì cần cảnh giác kẻo mua nhầm hàng nhái.

Ông Lực cho biết thêm, theo quy định về nhãn hàng hóa của sản phẩm thì tất cả các công ty đều có số điện thoại của bộ phận chăm sóc khách hàng của đơn vị sản xuất in ở nhãn mác dưới chai để người mua tiện liên hệ khi có nghi ngờ, thắc mắc. Trên thực tế không ít người khi phát hiện bị mua phải những sản phẩm giả, kém chất lượng tại các siêu thị, đại lý, cửa hàng kinh doanh...thì lại phản ứng bằng thái độ lặng thinh, cam chịu. Hành động này chẳng khác nào tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái lộng hành. "Việc cần thiết lúc này là liên hệ với đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng để phản ánh các sản phẩm lỗi để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình... chứ không nên cam chịu tạo cơ hội cho sản phẩm giả tung hoành" - luật sư nói.

Nguồn: theo Tuệ Liên (báo Lao Động Thủ Đô)

Viết Bình luận

Bài viết cùng danh mục: