Dồn lực xử lý hàng giả trong kinh doanh thương mại điện tử

Trong năm 2019, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung thêm nguồn nhân lực, tăng cường thiết bị và kỷ năng để kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng  trong hoạt động thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh khẳng định như trên tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và nhiệm vụ năm 2019 của Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, tổ chức sáng ngày 24/1.

Tại hội nghị, một trong những vấn đề quan tâm và cần đặt ra để có giải pháp hiệu quả là lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ và mức độ vi phạm trong kinh doanh đang gia tăng mạnh mẽ.

Ông Bách cho biết, năm 2018, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra chuyên ngành 21.052 vụ, phát hiện 6.158 vụ vi phạm. Trong đó hàng lậu chiếm 1.902 vụ, hàng giả 1.028 vụ, hàng cấm 554 vụ, 770 vụ vi phạm trong kinh doanh, 1.722 vụ vi phạm về nhãn mác, tiêu chuẩn, website bán hàng. Đã xử phạt 4.496 vụ, thu 99 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy hơn 65 tỷ đồng, hàng tịch thu chờ bán trị giá 52 tỷ đồng và chuyển cơ quan công an khởi tố 14 vụ án. Cục QLTT thành phố phối hợp kiểm kiểm tra liên ngành 15.983 vụ, phát hiện 1.392 vụ vi phạm.

don luc xu ly hang gia trong kinh doanh thuong mai dien tu
Mỹ phẩm chất đầy kho Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh thu giữ từ các vụ mua bán thương mại điện tử trong năm 2018 và đầu năm 2019

Ông Bách đánh giá, trong năm qua Cục QLTT thành phố đã góp phần hạn chế hàng gian, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và ổn định thị trường. Tuy nhiên tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến rất phức tạp, nhất là các hoạt động kinh doanh hàng giả, kém chất lượng trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo ông Bách, thực tế hiện nay nhiều DN đã tiếp cận với thương mại điện tử, lập website để tổ chức khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh bán hàng hiện đại và ngày càng bùng nổ, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt thời gian gần đây nổi lên là các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được bày bán công khai, tràn lan trên website thương mại điện tử và trên mạng xã hội, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc nơi chứa trữ hàng để xử lý. Thông thường các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ vốn đã phức tạp và khó khăn thì những vi phạm trong thương mại điện tử còn tinh vi và phức tạp hơn nhiều trong việc kiểm tra và xử lý.

Thực hiện Quyết định số 3304 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử giai đoạn 2018-2020. Ông Nguyễn Văn Bách cho biết, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thêm nhân lực, mua sắm thêm thiết bị, đào tạo kỹ năng cho viên chức để kiểm tra và xử lý hàng giả, hàng gian, trên không gian thương mại điện tử.

Tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT đánh giá cao những kết qủa đã đạt được của Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh trong năm 2018 đồng thời đề nghị lực lượng QLTT thành phố kiện toàn bộ máy, tích cực hơn nữa trong công tác chuyên, nâng cao nghiệp vụ để góp phần ổn định thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn đạt hiệu quả.

Theo ông Trần Hữu Linh, thị trường TP. Hồ Chí Minh luôn là điểm nóng về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thượng mại, nhất là lĩnh vực thương mại điện tử. Đối với hoạt động gian lận trên không gian thương mại điện tử, ông Linh cho biết, Cục QLTT đang kiện toàn bộ máy nhân lực chính quy có đủ năng lực, tinh thông để quản lý hoạt động thương mại điện tử. Tổng cục cũng đang áp dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiên cứu, vận hành ứng dụng công nghệ thông tin để dự báo, nắm bắt thông tin về hàng hóa kinh doanh trong thương mại để góp phần nhận diện sớm những hành vi gian lận để kiểm tra và xử lý kịp thời.

Nguồn: Thế Vĩnh - Báo Công Thương!


Viết Bình luận

Bài viết cùng danh mục: