Hà Nội ráo riết chống buôn lậu, hàng giả dịp cận Tết

(TBTCVN) - Vào dịp cận Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết, nhất là tại những địa phương lớn như Hà Nội. Trước thực trạng này, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch cụ thể về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 trên địa bàn.

Buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay, lực lượng này đã kiểm tra 3.012 vụ, phát hiện, xử lý 1.710 vụ vi phạm, với tổng số thu 9,36 tỷ đồng. Trong đó tiền phạt vi phạm hành chính 6,36 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu là 3 tỷ đồng. 

Riêng đối với thị trường Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng hóa tại các khu vực trong toàn thành phố về cơ bản là ổn định, nhất là thị trường hàng sản xuất nội địa. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là hàng hóa nhập khẩu, trong khi người tiêu dùng vẫn "chuộng" hàng nhập khẩu và có tâm lí mua nhiều vào dịp Tết thì các mặt hàng này lại bị làm giả rất nhiều. "Dịp cận Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng hóa diễn ra khá phổ biến với nhiều thủ đoạn tinh vi", ông Kiên nhấn mạnh. 

Cũng theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, hiện có một số khu vực tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái diễn ra phổ biến như các chợ Đồng Xuân (quận Long Biên), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên)... Các khu vực này đang hoạt động rất mạnh để đưa hàng tiêu dùng vào thị trường tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Bên cạnh đó, ông Kiên cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm hàng hóa đang diễn biến khó lường và có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 1/2018, Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện nhiều lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt đang tạm giữ một lượng lớn nguyên liệu là các loại trà và sữa đặc để pha chế trà sữa không rõ nguồn gốc. “Thậm chí các đối tượng còn nhập lậu thực phẩm có nhãn mác nước ngoài, sau đó cắt bao bì và đóng gói sang các bao bì bằng giấy bạc khác, dán tem mác của một số công ty sản xuất chế biến chè uy tín của Việt Nam”, ông Kiên chia sẻ.

Ra tay trên mọi mặt trận

Do đó, yêu cầu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được đặt ra cấp thiết. Trước thực trạng đó, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 38/KH-BCĐ389/TP về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 trên địa bàn.

Ông Kiên cho biết, theo kế hoạch sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389TP và BCĐ 389 quận, huyện thị xã xây dựng kế hoạch chuyên đề đảm bảo bám sát diễn biến tình hình thực tế, xác định rõ địa bàn, lĩnh vực, phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng trọng điểm và nhóm các mặt hàng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát. 

Bên cạnh đó, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm mặt hàng cấm; các mặt hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế; các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Về địa bàn, cần tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các tuyến đường từ khu vực biên giới phía Bắc và các tỉnh lân cận về Hà Nội; đường hàng không, đường thủy… các chợ đầu mối, trung tâm thương mại; các kho tàng, bến bãi, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng), ga Hà Nội, ga Giáp Bát, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài… nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.

Đồng thời, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền các vụ việc xử lý để cảnh báo cho người dân các phương thức làm ăn phi pháp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân, thiệt hại kinh tế của người tiêu dùng và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật...

Đặc biệt các lực lượng cần tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp với mục tiêu ổn định thị trường, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất hàng hóa chất lượng và trách nhiệm đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát huy vai trò giám sát của người dân và cộng đồng đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại.

Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, năm 2017, đã kiểm tra 9.973 vụ (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016); xử lý 9.216 vụ (đạt 165% so với chỉ tiêu nghiệp vụ năm 2017, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016.

<nguồn: 06/02/2018 Tố Uyên17:48 thoibaotaichinhvietnam.vn>

Viết Bình luận

Bài viết cùng danh mục: