Hàng giả tràn lan: Doanh nghiệp và Quản lý thị trường đổ lỗi cho nhau

Tại hội thảo chống hàng giả, các doanh nghiệp cho là sự chậm trễ của các lực lượng chức năng cùng hệ thống thủ tục rườm rà đã làm tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán hàng nhập lậu có mối liên hệ với gia đình cán bộ các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp báo hàng giả, 3 tháng sau mới kiểm tra?!

Ngày 30/3, Cục Quản lý thị trường tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" tại TPHCM.

Tại hội thảo, ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng cục Quản lý thị trường cho biết: Thời gian qua đã phối hợp với nhiều đơn bị ngăn chặn và triệt phá nhiều lô hàng giả. Trong năm 2017, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra và xử lý trên 19.000 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 73 tỉ đồng, trị giá vi phạm trên 518 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lại cho là hàng giả, hàng nhập lậu vẫn đang tràn lan trên thị trường.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại công ty TNHH L'Oreal Việt Nam, cho biết: "Theo như chúng tôi khảo sát hiện nay 75% thị phần mỹ phẩm là hàng nhập lậu. Nước hoa tại các chợ 100% là hàng giả, hàng nhập lậu. Nhiều thương hiệu mỹ phẩm giả được bày bán công khai tại các khu chợ truyền thống cũng như nhiều hệ thống cửa hàng. Không chỉ vậy, nhiều hàng giả, hàng nhập lậu được bán công khai trên mạng xã hội nhưng chưa được quản lý”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính sự vào cuộc chậm trễ của các lực lượng chức năng cùng hệ thống thủ tục rườm rà đã làm tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán hàng nhập lậu có mối liên hệ với gia đình cán bộ các cơ quan chức năng".

“Nhiều khi phát hiện sản phẩm giả, chúng tôi đã báo cáo sự việc với cơ quan chức năng nhưng phải tuân theo nhiều thủ tục khá phức tạp và có khi phải đợi đến 3 tháng cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra. Lúc đó, có khi sản phẩm đó đã không còn lưu thông", bà Tuyết Trinh bức xúc.

Có mặt tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình với ý kiến của bà Trinh và đề xuất các cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để giải quyết hàng giả, hàng nhập lậu; bỏ bớt các thủ tục khi doanh nghiệp phát hiện hàng giả, hàng nhập lậu; nâng mức xử phạt hành chính khi phát hiện các cơ sở buôn bán, sản xuất hàng giả vì mức phạt hiện nay quá nhẹ so với mức lợi nhuận khổng lồ từ hàng giả, hàng nhập lậu...

Vì doanh nghiệp thiếu hợp tác?

Trước những phản ánh của doanh nghiệp, bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: "Không phải chỉ cơ quan chức năng mà lỗi ở cả doanh nghiệp và người tiêu dùng khiến tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan như hiện nay. Doanh nghiệp sợ ảnh hưởng uy tín nên cũng không dám làm mạnh. Người tiêu dùng cũng không chịu bỏ ra chi phí tương xứng để mua những sản phẩm chất lượng nên hàng giả mới vào Việt Nam nhiều như vậy!”.

Ông Trịnh Văn Ngọc cũng nhận định: "Cuộc chiến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội".

Theo ông, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhập lậu nhưng cũng còn nhiều doanh nghiệp gây khó khăn cho các đoàn liên ngành trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng các thủ tục nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu còn rườm rà, phức tạp và gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp nên thường xuyên né tránh.

“Về phía các cơ quan thực thi cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc nên rất mong được sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp để ngăn chặn vấn nạn trên. Về phía các doanh nghiệp cũng nên đưa ra những giải pháp hữu hiệu để tự bảo vệ mình và phối hợp với cơ quan chức năng chặt chẽ hơn", bà Quỳnh nhấn mạnh.

Nguồn: theo Xuân Hinh (báo Dân Trí)

Viết Bình luận

Bài viết cùng danh mục: