Mũ bảo hiểm kém chất lượng: Vẫn thả nổi

(LĐTĐ) Việc đội mũ bảo hiểm (MBH) đúng cách, đạt chuẩn từ lâu luôn được xem như giải pháp “cứu cánh”, giúp ngăn ngừa, giảm bớt hậu quả tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, chất lượng MBH vẫn trong cảnh nhập nhèm. Ngay tại Hà Nội, trên nhiều tuyến phố, MBH “siêu rẻ”, không tem hợp quy, không đủ 3 lớp… vẫn được bày bán công khai khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật giả.

Mũ “rởm” vẫn len lỏi vỉa hè

Theo Nghị định 87/2016/NĐ-CP, chỉ các tổ chức, cá nhân đã đăng ký kinh doanh, có địa điểm cụ thể và địa chỉ rõ ràng mới được bán MBH. Tuy nhiên, dạo qua nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Đê La Thành… MBH siêu mỏng, siêu rẻ vẫn đang công nhiên được bày bán, chào mời bên vệ đường.

Theo đó, một chiếc MBH siêu nhẹ, mang yếu tố thời trang, màu sắc bắt mắt được bày bán trên hè phố thường có giá khá “bình dân”, được chào mời từ 40.000 - 70.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, trên nhiều trang mạng xã hội như facebook, việc chào bán MBH siêu rẻ cũng diễn ra phổ biến. Theo những người kinh doanh mặt hàng này, sở dĩ MBH “siêu rẻ” được khách hàng ưa chuộng là bởi giá cả “mềm” và phù hợp để người tiêu dùng thay đổi thời trang.

Tuy nhiên, theo các đại lý chuyên buôn bán mặt hàng MBH, việc mũ bảo hiểm kém chất lượng tồn tại trên thị trường đã gây nhiều ảnh hưởng đến các cơ sở kinh doanh. “Chúng tôi phải cạnh tranh với MBH giá rẻ vỉa hè, mũ bán tại cơ sở không có đăng kí kinh doanh. Mà người tiêu dùng thì nhiều khi họ không biết hoặc không để ý, bởi cứ gặp rẻ là mua” - bà Đặng Thanh Mai chủ cửa hàng chuyên kinh doanh MBH trên đường Xã Đàn cho biết.

Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bắt nguồn từ việc đội MBH kém chất lượng hoặc đội sai quy cách. Khi tai nạn xảy ra, MBH chất lượng kém sẽ không có tác dụng giảm chấn và hạn chế tối đa lực tác động do va chạm với phần đầu người đội. MBH kém chất lượng cũng có thể vỡ ra và gây thương tích cho người đội. “Với MBH đảm bảo chất lượng sẽ có tác dụng giảm chấn, giúp bảo vệ phần đầu khỏi lực tác động sinh ra do va chạm từ đó sẽ làm giảm tối đa nguy cơ thương tích và chấn thương sọ não. Bởi vậy, người tiêu dùng nên cân nhắc, đừng tham rẻ” – bà Đặng Thanh Mai chủ cơ sở kinh doanh MBH khuyến cáo.

Nâng cao nhận thức của người dân

Khách quan nhìn nhận, các ban ngành chức năng đã đưa ra hàng loạt nỗ lực nhằm ngăn chặn MBH rởm. Minh chứng dễ thấy là, không ít các cuộc kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy... MBH không đạt chuẩn đã được diễn ra. Những hoạt động này đã góp phần tích cực giúp triệt hạ nguồn cung cấp, bán MBH “rởm”.

Trên khía cạnh pháp lý, các quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm và áp dụng phải có một số điều kiện bắt buộc mới được kinh doanh MBH đã được triển khai. Chẳng hạn, trên khía cạnh kinh doanh, theo Nghị định 87/2016/NĐ-CP, chỉ các tổ chức, cá nhân đã đăng ký kinh doanh, có địa điểm cụ thể và địa chỉ rõ ràng mới được bán MBH. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 2 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Nếu các hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, hệ thống văn bản, quy phạm pháp lý liên quan đã có nhưng vì sao MBH “rởm” vẫn còn đất sống? Lý giải vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng một phần vì MBH có giá khá rẻ, phần khác vì một bộ phận người tiêu dùng vẫn mang tâm lý đội MBH để đối phó với cơ quan chức năng. Bổ sung thêm về vấn đề liên quan, Tiến sĩ Nguyễn An - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Hãng Luật Cộng đồng cho biết: Tại thời điểm hiện tại, chưa có quy định nào về xử phạt người đội MBH giá rẻ, không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, có thể mở rộng phạm vi xử phạt đối với người tham gia giao thông sử dụng MBH không đảm bảo chất lượng.

Nhưng cần phải làm rõ yếu tố lỗi của người sử dụng là cố ý hay vô ý, chỉ nên xử phạt đối với người có lỗi cố ý, nghĩa là biết mũ đó là không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn sử dụng. Tuy nhiên việc chứng minh lỗi của người sử dụng là rất khó xác định bởi bản thân người tiêu dùng không có kiến thức chuyên môn để thẩm định chất lượng MBH khi mua. Họ chỉ có thể kiểm tra qua nhãn mác trên sản phẩm nên không thể biết thế nào là đạt chất lượng và thế nào là không đạt chất lượng.

“Chúng ta cần kiểm soát được thị trường để loại bỏ hàng hóa kém chất lượng. Thị trường nằm trong sự quản lý của nhà nước với chế tài, lực lượng quản lý chuyên trách... đều có đủ. Bởi vậy, không có lý do gì để trên thị trường tồn tại và bán MBH kém chất lượng” - Tiến sĩ Nguyễn An nhấn mạnh.

Rõ ràng, để đẩy lùi MBH kém chất lượng, ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền hơn nữa nhằm nâng cao ý thức của người bán và người tham gia giao thông. Ngoài ra, để triệt hạ tận gốc MBH kém chất lượng, các cơ quan công quyền cần thực thi nghiêm nhiệm vụ quản lý thị trường, loại bỏ việc sản xuất và bán MBH không đảm bảo chất lượng theo qui định của nhà nước. Chỉ có đồng bộ và vào cuộc quyết liệt như vậy, quyền lợi của người tiêu dùng, tính nghiêm minh của luật pháp mới được đảm bảo.

Nguồn: theo Đinh Luyện (Báo Lao Động Thủ Đô)

Viết Bình luận

Bài viết cùng danh mục: