Nhiều sai phạm về xuất xứ ở Con Cưng: Báo động tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó"

Sau Con Cưng, nhiều cửa hàng, chuỗi cửa hàng đang trong "tầm ngắm" của cơ quan kiểm tra


Lực lượng QLTT TP HCM đang tiếp tục kiểm tra các cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng (thuộc Công ty CP Con Cưng). Sau khi kiểm tra xong sẽ củng cố hồ sơ chứng từ, xem xét sai phạm và tiến hành xử lý theo quy định.

Nhiều chuỗi "có vấn đề"

Cơ quan QLTT TP HCM đã báo cáo nhanh kết quả kiểm tra 3 cửa hàng Con Cưng, bao gồm cửa hàng số 833-835 Hồng Bàng (quận 6), 424 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) và 78 Tôn Thất Tùng (quận 1). Kết quả sơ bộ, QLTT đã phát hiện và lập biên bản nhiều sản phẩm mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm, mắt kính, quần áo, đồ chơi trẻ em… có dấu hiệu vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ… tại các cửa hàng này.

Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP HCM, cho biết ngoài hệ thống cửa hàng ở TP HCM, các cửa hàng thuộc chuỗi Con Cưng trên toàn quốc cũng đang được cơ quan chức năng tổng kiểm tra. Các hệ thống cửa hàng mang tên Nhật, Hàn Quốc nhưng lại bán phần lớn là hàng Trung Quốc, hay các hệ thống bán hàng qua mạng như Lazada, Sendo... cũng sẽ được kiểm tra trong thời gian tới.

Trước Con Cưng, chuỗi cửa hàng Khaisilk và chuỗi Mumuso đã bị phát hiện có dấu hiệu gian lận trong kinh doanh, đánh lừa người tiêu dùng. Theo một cán bộ QLTT thuộc Bộ Công Thương, hiện tồn tại nhiều chuỗi cửa hàng quảng cáo bán hàng hóa nhập khẩu từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... nhưng hàng hóa thực chất không phải nhập khẩu từ những nước này mà phần lớn từ Trung Quốc, Đài Loan... "Các chuỗi cửa hàng này nở rộ là bởi xuất phát từ xu hướng không ưa hàng Trung Quốc của một bộ phận lớn người Việt Nam nên doanh nghiệp (DN) trong nước đặt hàng từ các nước khác Trung Quốc theo mẫu mã được yêu cầu sẵn. Các nước được đặt hàng có thể đã nhập từ Trung Quốc về và gia công không đáng kể. Cũng vì thế mà khi phát hiện có lỗi, truy lại nguồn gốc, giấy tờ, nước nhập khẩu… thì DN giải trình được hết" - một cán bộ QLTT chỉ ra.

Khó xử lý !?

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT, cho rằng việc Công ty CP Con Cưng bị phát hiện sản phẩm có vấn đề về nhãn mác hay Mumuso nhập nhèm xuất xứ là hồi chuông cảnh báo về tâm lý sính hàng ngoại của người Việt. "Người trẻ bị ảnh hưởng nhiều bởi phim ảnh, sách, truyện Hàn Quốc, Nhật Bản. DN đã đánh trúng thị hiếu đó cùng với lợi dụng kẽ hở pháp luật, sự non yếu của lực lượng thực thi nhiệm vụ để đưa ra tiêu thụ hàng giả nhãn hiệu, hàng nhái, hàng gian… nhưng rất khó xử lý. Nếu DN có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu, chỉ vi phạm về tem nhãn thì bị xử phạt hành chính" - ông Hùng nói.

Liên quan đến những vi phạm của Khaisilk và Mumuso Việt Nam, chiều 24-7, xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương cho biết đến nay vẫn chưa nhận được thông báo kết luận cuối cùng của cơ quan công an về vụ việc Khaisilk bán khăn lụa "Khaisilk Made in Vietnam" và "Made in China". "Vì đây là vụ việc bán hàng giả, có dấu hiệu hình sự nên Bộ Công Thương đã gửi cơ quan điều tra. Mặc dù đã thấy nhiều lần Thủ tướng, Phó Thủ tướng đốc thúc điều tra nhanh nhưng hiện việc điều tra chưa có kết quả" - lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thông tin. Về các vi phạm của Mumuso Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đề nghị hàng loạt mức xử phạt với tổng số tiền trên 300 triệu đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc xử phạt.

Theo nguyên thẩm phán TAND Tối cao Vũ Lai Bằng, Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk) có dấu hiệu phạm tội buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may thương hiệu Khaisilk thể hiện rõ dấu hiệu trên. Ngoài ra, Công ty TNHH Khải Đức còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Chưa kể DN còn che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Đối chiếu thông tin công khai trên phương tiện truyền thông, ông Vũ Lai Bằng khẳng định vụ án có dấu hiệu phạm tội rất rõ ràng. "Cơ quan công an dường như chưa làm hết trách nhiệm khi không khởi tố vụ án kịp thời" - nguyên thẩm phán TAND Tối cao nhận xét.

Tương tự, hệ thống cửa hàng Mumuso có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi có nhiều hoạt động lừa dối khách hàng, hành vi trên có thể khởi tố hình sự tùy theo mức độ phạm tội và hậu quả để lại. Cụ thể, DN biết rõ hành vi lừa dối là sai nhưng cố tình thực hiện, động cơ phạm tội là vụ lợi và mục đích là thu lợi bất chính. Đây là cơ sở truy cứu tội danh "lừa dối khách hàng" quy định chi tiết trong Bộ Luật Hình sự 2015.

Xử nghiêm, tránh để tái diễn

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, lâu nay hội vẫn khuyến cáo người tiêu dùng nên mua những nơi có địa chỉ rõ ràng, có nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu. Chuỗi Con Cưng là một nơi như thế, tiếc là QLTT kiểm tra phát hiện hàng loạt sai phạm. Lượng hàng tạm giữ khá lớn cho thấy sai phạm có tính hệ thống. Việc bày bán công khai các sản phẩm vi phạm ngay khi có khiếu nại của người tiêu dùng cho thấy khâu quản lý của công ty có vấn đề, sai phạm có thể đã xảy ra trong thời gian dài. Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước trên địa bàn thời gian qua có sự buông lỏng, khi kiểm tra là phát hiện hàng loạt vi phạm. Vụ việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xử lý nên phải chờ kết quả.

"Tôi đề nghị công tác xử lý phải thật nghiêm để không tái diễn tình trạng trên, gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Vụ việc trên có công rất lớn từ ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng khi mua sản phẩm có vấn đề đã mạnh dạn lên tiếng và theo đuổi vụ việc tới cùng" - bà Thu nêu nói.

Cũng nêu quan điểm không để tồn tại kiểu làm ăn gian dối, lừa đảo người tiêu dùng trên địa bàn TP HCM, Sở Công Thương TP HCM đã chỉ đạo phòng kinh tế các quận, huyện tập trung toàn bộ danh sách các cửa hàng, chuỗi cửa hàng ở địa phương để gửi về sở. Trên cơ sở danh sách này, Chi cục QLTT sẽ sàng lọc, xây dựng kế hoạch kiểm tra các địa chỉ có nghi vấn, xử lý các trường hợp vi phạm. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết sau khi xử lý, danh sách vi phạm sẽ được gửi về phòng kinh tế các quận, huyện và ban quản lý chợ... để các đơn vị này tiếp tục theo dõi, kiểm tra, dứt khoát không để tình trạng kinh doanh không lành mạnh tồn tại trên địa bàn.

Theo ông Trần Hùng, cần kiểm tra gắt gao việc bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc kiểm tra này phải quyết liệt, không có vùng cấm nên cần cơ quan chức năng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc.

Nguồn: Nhóm phóng viên báo Người Lao Động

Viết Bình luận

Bài viết cùng danh mục: