Sửa quy định về xử phạt trong sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công Thương cho biết, sau gần 5 năm thi hành, một số quy định của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ hạn chế, tính khả thi chưa cao trong thực tiễn áp dụng như: một số hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả chưa bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm hành chính; (một số thuật ngữ chưa được giải thích rõ ràng hoặc chưa phù hợp với các quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm hành chính; Nghị định thiếu một số hành vi vi phạm, chế tài xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả làm giảm hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.  

Bên cạnh đó yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đòi hỏi một số quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP phải được sửa đổi, bổ sung để tăng tính răn đe, phòng ngừa và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính, tính khả thi và hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính, góp phần bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại trên thị trường.

Với những yêu cầu đặt ra như trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP là rất cần thiết.

Theo đó, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về “Hàng giả” gồm: Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng, đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; thuốc giả theo quy định tại Khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại Khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016…

Phạt tới 70 triệu đồng nếu buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng

Dự thảo nêu rõ, đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định, mức phạt tiền như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảonày tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Nguồn: Theo Lan Phương (Báo Chính Phủ)

Viết Bình luận

Bài viết cùng danh mục: