“80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả!”

Đó là lời khẳng định của ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống hàng giả hàng nhái.


Đây không phải là một phát ngôn mang tính chủ quan mà là thực trạng có thật tại thị trường Việt Nam.

Mới đây một chuyên trang thẩm định đồng hồ thật giả của một thương hiệu phân phối đồng hồ chính hãng uy tín đã công bố những số liệu gây kinh ngạc: 20.000 chiếc đồng hồ được thẩm định thì có đến 8.600 chiếc được phát hiện là giả.

Điều đáng nói là hầu hết những người đưa đồng hồ đến thẩm định đều tin chắc rằng đồng hồ của họ là hàng thật 100% bởi đều được mua tại các cửa hàng đề biển “đồng hồ chính hãng” hay thậm chí là các trung tâm thương mại lớn.

Anh Nguyễn Đình Thái (Thanh Xuân, Hà Nội), một “dân chơi đồng hồ” vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi kể lại câu chuyện bị lừa của mình: “Mình mua một chiếc Omega Seamaster James Bond 007, với giá 4.000 USD. Bình thường giá niêm yết của hãng là hơn 8000 USD - gần 180 triệu đồng nhưng vì mua của người quen nên được “giảm giá”. Đem đến thẩm định thì nhận ngay tin sét đánh đây là đồng hồ nhái”.

“Tôi mua một chiếc đồng hồ với giá 12 triệu đồng nhưng khi thầm định thì cán bộ kỹ thuật cho biết, nó chỉ có giá khoảng 1 triệu đồng và có nguồn gốc từ Trung Quốc”, anh Nguyễn Văn Dũng ở phố Hòa Mã (Hà Nội) cũng hoang mang chia sẻ.

Theo ông Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhiều người tiêu dùng có thói quen nhìn vào giá cả và giấy tờ tem mác để đánh giá chất lượng sản phẩm, nhưng chính cái giá trên trời và giấy tờ có vẻ chuyên nghiệp đó lại đánh lừa họ.

Ông cho biết: đồng hồ nhái được nhập với giá chỉ vài chục cho đến vài trăm ngàn đồng nhưng khi bán ra thì con số đó đã được đội lên đến hàng chục lần. Với niềm tin rằng “đắt xắt ra miếng”, người tiêu dùng sẵn sàng chi một số tiền lớn để mua hàng nhái vì cho rằng mức giá này chỉ có thể là của hàng thật.

“80 - 90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả!”

Chưa dừng lại ở đó, một chiêu thức khác tinh vi hơn của gian thương là đánh vào tâm lí thích mua hàng “ưu đãi giảm giá” của người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, những chiếc đồng hồ nhái được quảng cáo là khuyến mãi sâu, giảm từ 50 - 70% so với giá niêm yết.

Đứng trước món hời “mua đồng hồ xịn với giá chỉ bằng một nửa”, người tiêu dùng sẵn sàng chi hàng triệu đồng để mua về những chiếc đồng hồ giả chỉ đáng giá vài trăm ngàn đồng. Một câu hỏi đặt ra là, người tiêu dùng làm thế nào để có thể nhận ra sản phẩm trên tay mình là thật hay giả?

Anh Đinh Ngọc Chiến – người trực tiếp thẩm định của chuyên trang thẩm định đồng hồ - cho biết: “Đồng hồ được làm giả ngày một tinh vi hơn, khó có thể phân biệt được bằng mắt thường. Có những chiếc tháo máy ra cũng chưa chắc phát hiện được là thật hay giả, thậm chí phải kiểm tra con chíp chính hãng thì mới phân biệt được hàng thật và hàng giả.”

Không phải người tiêu dùng nào cũng đủ kiến thức chuyên sâu để phân biệt được thật - giả trước khi mua, bởi vậy trước tiên hãy lựa chọn một địa chỉ thực sự đáng tin cậy, có uy tín trên thị trường. Đồng thời theo các chuyên gia, nếu chưa thực sự tin tưởng, bạn có thể đem thẩm định đồng hồ của mình, bất cứ trường hợp gặp phải hàng giả hàng nhái khi báo cáo với cơ quan chức năng đều được xử lí chậm nhất trong vòng 15 ngày.

Hi vọng rằng với những nỗ lực của các doanh nghiệp chân chính, cùng sự ủng hộ của cơ quan chức năng, “thiên đường đồng hồ giả” Việt Nam sẽ bị đẩy lùi, trả lại sự trong sạch cho thị trường và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Nguồn: Theo Dân Trí

Viết Bình luận

Bài viết cùng danh mục: