Cam go chống hàng giả, nhái
Trong cuộc chiến chống hàng giả, nhái, doanh nghiệp cần mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ quyền lợi và tài sản của mình
Theo Chi cục QLTT TP HCM, trong 5 tháng đầu năm 2017, đã kiểm tra 198 vụ liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ (hàng giả, hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu), trị giá tang vật khoảng 1,5 tỉ đồng, đã phạt hành chính 1,6 tỉ đồng.
Ủng hộ doanh nghiệp lên tiếng
Hàng giả, nhái gây thiệt hại trước hết cho chủ sở hữu hàng thật vì bị mất thị phần, doanh số sụt giảm. Nhưng thực tế, có không ít doanh nghiệp (DN) nạn nhân không dám lên tiếng vì sợ "tác dụng phụ". Trước tiên là đối tượng làm giả, nhái cập nhật thông tin để đối phó, việc xử lý sẽ khó khăn hơn và lo nhất là bị người tiêu dùng tẩy chay. Một bộ phận người tiêu dùng có phản ứng tiêu cực với thông tin hàng giả là tẩy chay luôn... hàng thật để tránh mua nhầm.
Do đó, nhiều chủ thương hiệu trong quá trình phối hợp với cơ quan chức năng bắt hàng giả, nhái nhưng lại nhờ cậy "bảo mật thông tin". Thậm chí, có đơn vị còn không phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xác định hàng thật - hàng giả khiến việc xử lý gặp khó khăn. Vì thế, nhiều cơ quan thực thi đã đề nghị nên có quy định buộc DN ngoài quyền lợi còn có nghĩa vụ trong việc chống hàng giả và thông tin đến người tiêu dùng.
Tổng kết 10 năm thực thi Luật Sở hữu trí tuệ (2006-2016) của Bộ Khoa học và Công nghệ, dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp (kết quả dùng để xác định hành vi xâm phạm bản quyền, thường gọi là hàng nhái) cho thấy mặc dù cơ sở pháp lý cho việc xã hội hóa đối với hoạt động này đã tương đối đầy đủ, đồng bộ song hiện cả nước mới chỉ có một tổ chức giám định sở hữu công nghiệp là Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và mới có 4 giám định viên. Đây cũng là một vấn đề bất cập lớn hiện nay bởi phần lớn các cơ quan thực thi khi xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn phải phụ thuộc nhiều vào ý kiến của tổ chức giám định, ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Bớt "dễ dãi" trong mua sắm
Trong các cuộc triển lãm, trưng bày về phân biệt hàng thật - hàng giả, nhái, rất nhiều khách tham quan sau khi được nghe hướng dẫn tỉ mỉ đã phải thốt lên "quá khó để phân biệt". Bởi vì với trình độ khoa học kỹ thuật ngày nay, đặc biệt là trong in ấn, khiến việc sao chép trở nên đơn giản, dễ dàng. Trong nhiều trường hợp, hàng giả dùng bao bì thật (bao bì cũ), hàng hóa bên trong là giả nên người tiêu dùng phải chú ý đến các mép gấp, nút đậy để phân biệt. Khi người tiêu dùng tin tưởng đến tem chống hàng giả thì đối tượng làm giả luôn tem chống giả. Thậm chí, có trường hợp hàng thật không dán tem chống giả nhưng hàng giả lại dán tem chống giả để lòe người tiêu dùng.
Nhưng vì quá khó để phân biệt hàng thật - hàng giả, nhái mà người tiêu dùng chuyển sang dùng thương hiệu khác chưa có thông tin bị làm giả có thể là một sai lầm vì chưa chắc thương hiệu mới không bị làm giả. Nguyên tắc chung của sản xuất hàng giả, nhái khá đơn giản là ăn theo những mặt hàng bán chạy. Không chỉ tại Việt Nam mà ở các nước tiên tiến trên thế giới hàng giả, nhái vẫn tồn tại. Hoạt động này phi pháp nhưng đem lại siêu lợi nhuận nên các đối tượng dùng đủ chiêu để qua mặt cơ quan chức năng, người tiêu dùng. Tại Việt Nam, hệ thống phân phối hàng hóa đa dạng giúp người mua tiện lợi trong mua sắm nhưng cũng khiến hàng giả, nhái trà trộn vào, đặc biệt là tập quán mua hàng khá dễ dãi, không cần giấy tờ để chứng minh giao dịch giúp bên bán dễ dàng "phủi tay" khi xảy ra sự cố.
Vậy nên, người tiêu dùng có thể né hàng giả, nhái bằng việc bớt dễ dãi trong mua sắm, cần tìm hiểu kỹ thông tin hàng hóa và chọn mua sắm tại những nơi có uy tín, có trách nhiệm với người tiêu dùng sau bán hàng. Với những DN mạnh dạn lên tiếng về hàng giả, hàng nhái của hãng, người tiêu dùng nên ủng hộ vì đó là những DN có trách nhiệm với cộng đồng. Khi đã lên tiếng về hàng giả, nhái, DN đồng thời hướng dẫn người tiêu dùng mua được hàng chính hãng thông qua kênh phân phối chính thức, điểm bán hàng tin cậy. Gần đây, nhiều DN có chính sách khen thưởng cho người tiêu dùng phát hiện hàng giả để động viên cũng là cách để gắn kết giữa sản xuất - tiêu dùng.
Luật sư Nguyễn Minh Trí, đại diện Công ty Liên doanh bột Quốc Tế:
Hàng nhái gây thiệt hại nặng nề:
Chúng tôi là công ty liên doanh giữa Việt Nam và nhà đầu tư Nhật Bản, Thái Lan chuyên sản xuất các loại bột trộn. Trong đó có bột bánh xèo Hương Xưa đã có mặt trên thị trường từ năm 2008 chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh số. Bột bánh xèo Hương Xưa được phân phối rộng khắp trong và ngoài nước. Ở thị trường quốc tế đã chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, Pháp, Canada. Trong nước được bán từ siêu thị các thành phố lớn đến các tiệm tạp hóa.
Từ đầu năm 2017, thị trường xuất hiện sản phẩm nhái bột bánh xèo Hương Xưa được sản xuất bởi Công ty TNHH Liên doanh bột Sài Gòn (trụ sở tại Vĩnh Long). Đây là công ty mới thành lập vào cuối năm 2016, thay vì đầu tư nhận diện mới từng bước chinh phục người tiêu dùng, DN này lại sản xuất bột bánh xèo Hương Quê có hình thức bao bì giống đến 95% sản phẩm của chúng tôi, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Sản phẩm nhái xuất hiện trên thị trường khiến doanh số của công ty giảm đến 50%, niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm chính hãng sụt giảm do bị nhầm lẫn bởi hàng nhái. Đặc biệt, từ trường hợp công ty chúng tôi, niềm tin của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giảm sút do việc thực thi chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn nhiều bất cập.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM:
Rất tinh vi!
Với trình độ phát triển kinh tế thị trường ngày nay, hàng giả, nhái hiện rất tinh vi, người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, nhái. Hàng giả, nhái hầu như có mặt ở các kênh phân phối từ trung tâm thương mại, siêu thị đến chợ truyền thống, chợ nhỏ lẻ, tự phát. Một vấn đề nữa là người tiêu dùng Việt Nam khá dễ dãi khi mua sắm các sản phẩm tiêu dùng. Những nguyên nhân trên khiến hàng giả, nhái, kém chất lượng tràn lan, ở tất cả phân khúc.
Đối với hàng nhái, là những mặt hàng xâm phạm bao bì, nhãn hiệu của những thương hiệu uy tín lâu năm, chúng tôi kiên quyết đồng hành cùng DN bị xâm phạm phối hợp cùng cơ quan thực thi xử lý triệt để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong nhóm ngành lương thực, thực phẩm, các hội viên chúng tôi đã nỗ lực trong việc tạo ra những sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc chống hàng kém chất lượng, đặc biệt là tại các chợ truyền thống. Theo đó, ban quản lý các chợ truyền thống phải có trách nhiệm đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, hàng giả, hàng nhái kinh doanh tại chợ với người tiêu dùng.
Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM:
Tâm lý chấp nhận của người tiêu dùng
Khi mua sắm các mặt hàng thời trang như: đồng hồ, túi xách, quần áo, giày dép,… nhiều người biết đó là hàng giả nhưng vẫn mua vì thích thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng giá rẻ. Trong thực tế kinh doanh, người ta không gọi đây là hàng giả mà dùng những từ nhẹ nhàng hơn như hàng loại 2, hàng nhái. Người tiêu dùng nên lưu ý khi chọn mua những mặt hàng này, người tiêu dùng sẽ không được bảo vệ quyền lợi vì không có người chịu trách nhiệm về hàng hóa. Tại hội chúng tôi, chỉ tiếp nhận các trường hợp khiếu nại có bằng chứng giao dịch, có địa chỉ nơi bán, nhà sản xuất rõ ràng, không hỗ trợ được trong những trường hợp mua hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.
Với hàng nhái, theo tôi, đó là tình trạng nhà sản xuất sau cố tình đưa ra sản phẩm có hình thức tương tự gây nhầm lẫn với sản phẩm đã được người tiêu dùng tín nhiệm trước đó. Đây phần lớn là hàng có đơn vị đăng ký sản xuất, có người chịu trách nhiệm. Do đó, nhà nước nên có chế tài chặn ngay từ đầu những hàng hóa có yếu tố xâm phạm sở hữu trí tuệ, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Ng.Ánh ghi
<nguồn 03/06/2017 21:18 Bài và ảnh: Vương Ngọc https://nld.com.vn>
- 0 Bình luận