Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hảng giả: Nhận diện kịp thời nguy cơ
Đó là một định hướng của Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đối với các cấp, ngành, lực lượng chức năng.
Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - Đàm Thanh Thế, cho biết: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (buôn lậu) trên phạm vi cả nước trong 4 tháng đầu năm 2018 diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới đường bộ xảy ra nhiều hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm (ma túy, pháo nổ, gỗ quý, tiền giả...) và các mặt hàng khác (quần áo, hoa quả, thực phẩm, gia cầm, đường...). Tuyến hàng không quốc tế phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm của động vật hoang dã, vàng, ngoại tệ, tân dược, thiết bị công nghệ... Trên tuyến đường biển, nhất là tại các vùng biển trọng điểm phía Đông Bắc và phía Nam tiếp tục diễn ra các vụ buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng...
Số liệu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổng hợp cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 45.949 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền xử phạt hành chính, tịch thu hàng hóa và từ công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế là trên 4.062 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố hình sự 642 vụ với 754 đối tượng, tăng 51,77% về số vụ khởi tố và tăng hơn 50% số người bị khởi tố so với cùng kỳ năm 2017.
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, theo dõi ngược cả các lực lượng chức năng nhằm tận dụng sơ hở để hoạt động. Khi bị phát hiện, bị bắt giữ, có những trường hợp rất manh động, chống trả. Điển hình, ngày 07/3/2018, tại Bình Dương, khi lực lượng chức năng phát hiện 03 đối tượng vận chuyển 12.850 bao thuốc lá lậu hiệu 555 và tổ chức truy bắt, đối tượng vi phạm đã tông xe vào lực lượng thực thi công vụ khiến 06 người bị thương.
Tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu… còn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là tại các đô thị lớn. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm đã phát hiện việc sản xuất, tiêu thụ cả thuốc chữa bệnh ung thư giả bằng than tre (tại Hải Phòng) gây bức xúc dư luận xã hội. Đáng lưu ý, có cả hiện tượng hiệp hội ngành nghề còn trao tặng danh hiệu tôn vinh thương hiệu của doanh nghiệp vi phạm pháp luật, sản xuất, kinh doanh hàng giả (vụ Vinaca).
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo sát sao các lực lượng chức năng thường xuyên tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vi phạm theo pháp luật; xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm với các đối tượng cầm đầu, đường dây, ổ nhóm buôn lậu các mặt hàng cấm, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Đặc biệt, cần rà soát, nắm bắt tình hình, nhận diện kịp thời, chính xác các dấu hiệu, nguy cơ có khả năng xảy ra hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan để lập kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý, cần tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi các qui định không còn phù hợp, đề xuất ban hành các văn bản pháp luật mới liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý./.
- 0 Bình luận