“Cuộc chiến” chống hàng nhái (*): Giải pháp ngăn chặn
Việc chống hàng giả, hàng nhái phải bắt nguồn từ ý thức tôn trọng sở hữu trí tuệ và chủ sở hữu nên chú trọng công tác phòng ngừa từ đầu
Sự kiện hàng loạt cửa hàng bán điện thoại tại Việt Nam không phải là đại diện ủy quyền của hãng Apple nhận được văn bản khuyến cáo và yêu cầu chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu của Apple cho thấy các nhà sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam không thể làm ngơ vấn đề sở hữu trí tuệ. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới cùng với những cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ, công tác thực thi vấn đề này trong thời gian tới sẽ càng được tăng cường.
Phối hợp đồng bộ
Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM, cho rằng để phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền cần sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Cơ quan nhà nước cần hoàn thiện các quy định pháp lý theo hướng đủ mạnh để xử lý và răn đe vi phạm, các cơ quan thực thi phải nâng cao năng lực trong lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ, đồng thời các biện pháp đấu tranh phải được triển khai đồng bộ, thường xuyên.
DN cần tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để bảo hộ tài sản trí tuệ, chủ động các biện pháp tự bảo vệ như sử dụng công nghệ chống giả, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết. Ngoài việc yêu cầu và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hàng xâm phạm, DN cũng cần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Với người tiêu dùng, cần nói không với hàng giả, hàng nhái và thông báo cho DN, cơ quan chức năng khi phát hiện hàng giả, hàng nhái.
Còn theo lãnh đạo Chi cục QLTT TP HCM, để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng hóa xâm phạm quyền, ngoài tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, cần sự hợp tác của DN với các cơ quan thực thi tại Việt Nam, bao gồm việc tổ chức các khóa tập huấn nhằm cập nhật và nâng cao kỹ năng cho tất cả cơ quan thực thi, giúp phân biệt được hàng thật, hàng hóa xâm phạm quyền đối với những sản phẩm cụ thể. DN cần phổ biến thông tin cảnh báo rộng rãi giúp người tiêu dùng nhận diện hàng thật, hàng xâm phạm quyền, hạn chế thiệt hại cho khách hàng và góp phần ngăn chặn việc tiêu thụ hàng nhái.
“Một trong những nguyên nhân khiến tình hình xâm phạm quyền diễn biến phức tạp là do sự nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của nạn hàng nhái của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng lẫn người kinh doanh. Do đó, cơ quan truyền thông đại chúng, tổ chức xã hội và đoàn thể, đặc biệt là các ban quản lý chợ, trung tâm thương mại cùng phối hợp tham gia tích cực trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, từ người kinh doanh đến người tiêu dùng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” - lãnh đạo Chi cục QLTT TP HCM đề xuất.
Cần sớm bảo vệ tài sản trí tuệ
Theo các luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ, DN Việt chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản trị tài sản trí tuệ, chỉ đến khi bị hàng giả, hàng nhái giành thị phần mới nhận ra tầm quan trọng của vấn đề. Vì thế, số vụ xử lý hàng giả, hàng nhái thời gian qua chủ yếu do các DN nước ngoài xúc tiến, tỉ lệ DN Việt còn ít dù tình trạng xâm phạm rất phổ biến. Do đó, từ khi khởi nghiệp, DN nên chú trọng hệ thống quản trị tài sản trí tuệ, cần xác lập quyền (đăng ký bảo hộ) đối với tài sản trí tuệ do DN mình tạo ra để tránh trường hợp bị người khác cố tình vi phạm.
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, khó nhận biết. Vì thế, cách đề phòng tốt nhất là nên mua hàng ở những nơi uy tín vì “mua lầm chứ bán không lầm”. Khi mua cần lấy hóa đơn, chứng từ để khi xảy ra vấn đề có chứng cứ khiếu nại. “Ngoài ra, không nên ham giá rẻ mà mua hàng không rõ nguồn gốc, dễ gặp phải hàng giả, hàng nhái. Khi mua nên xem xét kỹ bao bì để mua đúng thương hiệu mình cần vì có những cửa hàng vì ham lợi nhuận mà trộn hàng nhái” - bà Thu tư vấn.
Kinh nghiệm xử lý
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, cho biết với kinh nghiệm xử lý các vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, ông khuyên các chủ sở hữu khi làm đơn yêu cầu xử lý vi phạm không nên gửi đồng loạt cơ quan thực thi, chỉ gửi một địa chỉ mà DN cho là phù hợp, nếu cơ quan này có văn bản không xử lý thì mới gửi cơ quan khác. Lý do là các cơ quan này đều kiêm nhiệm nhiều việc nên DN gửi nhiều đơn sẽ có tình trạng cơ quan này nghĩ cơ quan khác sẽ xử lý nên không giải quyết. Ngoài ra, với các chứng cứ trên website, các chủ sở hữu nên sử dụng thừa phát lại xác định chứng cứ trong giải quyết tranh chấp.
<nguồn: 19/04/2017 22:19 Bài và ảnh: Vương Ngọc nld.com.vn>
- 0 Bình luận