Hà Nội xử lý hơn 1.900 vụ vi phạm gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng 2/2018, các lực lượng chức năng đã xử lý 1.916 vụ vi phạm gian lận thương mại, tịch thu hơn 291 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng 2/2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 1.910 vụ, xử lý 1.916 vụ; trong đó, hàng cấm, hàng lậu là 481 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 168 vụ; gian lận thương mại là 1.267 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu hơn 291 tỷ đồng.
Đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, mặc dù có sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành và sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng, nên trong 2 tháng đầu năm 2018, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là các hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết như: rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm...
Việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như: hàng dệt may, da giầy, điện tử, đồ gia dụng... vẫn tồn tại. Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Tháng 3 là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Do vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần phải cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn; trong đó, các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Công an, y tế cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu để phòng chống ngộ độc methanol trên địa bàn thành phố. Đồng thời kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, thu hồi các sản phẩm rượu gây ngộ độc methanol và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, có biện pháp hữu hiệu phối hợp với các cơ quan, chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là loại rượu tự nấu thủ công./.
Nguồn: Theo Nam Giang/TTXVN
- 0 Bình luận