Hỗ trợ tem, nhãn, bao bì: Tăng giá trị nông sản

(BGĐT) - Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị chế biến nông sản tại tỉnh Bắc Giang chưa chú trọng, quan tâm đầu tư tem, nhãn, bao bì cho sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, giảm hiệu quả.

Nhãn mác chưa bắt mắt

Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong xuất khẩu Nghĩa Hồ, xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) thành lập đến nay hơn chục năm. Sản lượng mật mỗi vụ đạt hơn 100 tấn. Cuối năm 2012, sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Mật ong bảo đảm về chất lượng, đóng trong chai nhựa màu trắng khoảng 1-2 lít. Trên vỏ bao bì chỉ ghi địa chỉ sản xuất và thời hạn sử dụng. Giá bán bình quân 150 nghìn đồng/lít. 

Ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc HTX cho biết: "So với một số sản phẩm mật ong khác trong nước, mặc dù có cùng chất lượng nhưng giá bán mật của HTX thấp hơn một nửa". Theo lời ông Sáng, vừa qua, một số hệ thống siêu thị; trong đó có BigC Bắc Giang đặt hàng mua sản phẩm. Sau khi tìm hiểu, đại diện Siêu thị BigC đề nghị HTX cần thay đổi vỏ đựng mật ong đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng thì đơn vị sẽ ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao hơn hiện tại. Hiện nay, HTX đang tìm đơn vị tư vấn thiết kế lại vỏ chai, hướng tới nhu cầu làm quà biếu, tặng của người mua, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các siêu thị lớn, tăng giá trị sản phẩm. 

Cũng được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và thụ hưởng chính sách phát triển thương hiệu hàng hóa nhưng 5 năm qua, HTX Bánh đa Kế, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Hiện 32 hộ tham gia HTX chuyên sản xuất, cung cấp sản phẩm ra thị trường với số lượng hàng trăm chiếc/ngày song bánh vẫn chỉ đựng trong bao hoặc túi ni-lông đơn giản.

Theo tổng hợp của Sở Khoa học và Công nghệ, toàn tỉnh có hơn 30 mặt hàng nông sản được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Nhiều sản phẩm có tiếng trong và ngoài nước như: Vải thiều, gà đồi, mỳ Chũ… Ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: “Hầu hết các sản phẩm sau khi bảo hộ xong đều được hưởng chính sách hỗ trợ làm tem, nhãn và các ưu đãi khác. Đến nay, nhiều hàng hoá chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế tối đa, thiếu tính cạnh tranh”. Hiện mới có sản phẩm chè xanh Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) và rượu Vân Hương (Việt Yên) có thiết kế nhãn mác đẹp, phù hợp làm quà biếu tặng; còn lại hầu hết rất thô sơ, ít đầu tư.

"Năm 2018, tỉnh phân bổ 12 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cho hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó một phần kinh phí dùng để giúp HTX, nhóm hộ xây dựng logo, bao bì, nhãn mác và gắn tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản”. 

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Tập trung cho sản phẩm chủ lực


Trước thực tế trên, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; kiểu dáng, mẫu mã, đóng gói nhãn mác mặt hàng. Xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ làm bao bì, logo, trang web quảng bá. Cụ thể, Sở thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí về việc làm hồ sơ, thuê thiết kế mẫu; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh gọn các khâu hoàn thiện thủ tục. Giai đoạn 2017-2018, Sở Công Thương đã phân bổ nguồn vốn của tỉnh, hỗ trợ 500 triệu đồng cho 9 đơn vị giúp thuê thiết kế mẫu bao bì, mua máy in nhãn mác, xây dựng website. Một số huyện chủ động trích kinh phí hỗ trợ nông sản chủ lực trên địa bàn làm bao bì, tem.   
Nguyên nhân của tình trạng này là do người sản xuất không quan tâm; ngại bỏ chi phí cũng như các thủ tục liên quan. Điều này khiến bao bì, nhãn mác xấu, chưa thu hút người tiêu dùng. 

Trước thực tế trên, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; kiểu dáng, mẫu mã, đóng gói nhãn mác mặt hàng. Xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ làm bao bì, logo, trang web quảng bá. Cụ thể, Sở thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí về việc làm hồ sơ, thuê thiết kế mẫu; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh gọn các khâu hoàn thiện thủ tục. Giai đoạn 2017-2018, Sở Công Thương đã phân bổ nguồn vốn của tỉnh, hỗ trợ 500 triệu đồng cho 9 đơn vị giúp thuê thiết kế mẫu bao bì, mua máy in nhãn mác, xây dựng website. Một số huyện chủ động trích kinh phí hỗ trợ nông sản chủ lực trên địa bàn làm bao bì, tem.   

Hiện nay, Sở Công Thương đang xây dựng Đề án “Phát triển nông sản cấp tỉnh”, trong đó nội dung chính là hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác thiết kế logo, hệ thống nhận diện sản phẩm, gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với nông sản chủ lực. Đi đôi với biện pháp trên, chính quyền các cấp cần có cơ chế hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm; người sản xuất chung tay, góp một phần kinh phí, nhất là cung cấp sản phẩm chất lượng, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng.

Nguồn: theo Hoàng Phương (báo Bắc Giang)

Viết Bình luận

Bài viết cùng danh mục: