'Tấn công' hàng giả nhãn mác, giả thương hiệu
(TBTCVN) - Trước thực trạng hàng hóa giả nhãn mác, thương hiệu đang ngày càng hoành hành với quy mô lớn trên thị trường trong nước,
Bộ Công thương vừa quyết định thành lập Tổ công tác chuyên trách thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020.
Hàng giả nhãn mác hoành hành
Hàng hóa giả nhãn mác, thương hiệu đang ngày càng hoành hành với quy mô lớn trên thị trường, nhất là hàng Trung Quốc đội lốt “made in Việt Nam”. Điều này không chỉ tổn hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) chân chính, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng.
Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, trên thị trường hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đang tồn tại rất nhiều. Cứ mặt hàng nào được ưa chuộng là bị làm giả, làm nhái, nhất là các sản phẩm tiêu dùng như quần áo, túi xách, giày dép, phụ kiện thời trang, đồ gia dụng, đồ điện tử, thiết bị nội thất, đồng hồ đeo tay, điện thoại di động, mỹ phẩm, trang sức, đông dược, tân dược, thực phẩm chức năng... Trong đó, vụ việc gây rúng động dư luận, sụp đổ niềm tin của nhiều người yêu hàng Việt là vụ doanh nhân Hoàng Khải, với thương hiệu lụa tơ tằm nổi tiếng Khaisilk, đã thừa nhận bán lụa tơ tằm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc suốt một thời gian dài.
Năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với năm 2016), thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 23.101,6 tỷ đồng (tăng 7,17% so với cùng kỳ 2016)…
Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho hay, các đối tượng đã và đang lợi dụng chính sách hợp tác kinh tế của Nhà nước, lợi dụng sơ hở để nhập hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam; trong đó có hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ, nhất là từ các nước có chung đường biên giới.
Gần đây nhất, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) phát hiện 5 container khai báo là hàng may mặc tiêu dùng, nhưng qua khám xét cho thấy là máy nén khí giả mạo nhãn hiệu Samsung; túi xách, ví giả mạo Gucci, Hermes; giày giả mạo Adidas, Nike; máy ảnh giả mạo Casio...Trước đó không lâu, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I cũng đã kiểm tra và phát hiện 4 container hàng hóa được khai báo là hàng bách hóa nhưng lại chứa 13.890 phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Apple, Samsung; cùng hàng chục nghìn bộ quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo hàng hiệu.
Được biết, thủ đoạn chủ yếu của đối tượng là không khai nhãn hiệu hàng hóa, khai sai xuất xứ, chủng loại, số lượng khi khai báo hải quan. Đồng thời, trộn hàng giả với hàng thật, đóng chung một container hoặc vận chuyển nhiều chủng loại hàng hóa với các nhãn hiệu khác nhau khi đóng gói hàng hóa để vận chuyển về Việt Nam.
Có thể thấy, “công nghệ làm giả nhãn mác tinh vi tới mức không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả những đơn vị phân phối chính hãng và cơ quan quản lý cũng khó có thể phân biệt được. DN phân phối hàng nhập khẩu chính hãng cũng rất loay hoay khi so sánh hàng thật - giả. Tem dán trên hàng giả còn có cả mã QR, thậm chí khi dùng điện thoại kết nối Internet kiểm tra cũng cho thông tin như hàng thật”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tập trung mũi nhọn giải quyết phần “gốc”
Trước thực trạng đó, Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 570/QĐ - BCĐ389BCT thành lập Tổ công tác chuyên trách thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020. Theo đó, việc triển khai kế hoạch chủ yếu được thực hiện trên hai nhóm nội dung chính là kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; tuyên truyền, hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo xuất xứ.
Theo kế hoạch, trong năm 2018, tổ sẽ tiếp nhận thông tin và thẩm tra, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ và các vi phạm khác như: Hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tập trung tiến hành kiểm tra thí điểm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, mở rộng phạm vi kiểm tra đối với một số tổ chức, cá nhân có dấu hiệu hoặc hành vi vi phạm tại các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Tiếp đến, năm 2019, tổ sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và mở rộng phạm vi đối với tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hoặc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ và các vi phạm khác… tại các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Trị, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An. Đến năm 2020, lực lượng này sẽ tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm hành chính diện rộng trên toàn bộ địa bàn trọng điểm gồm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, tổ công tác sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố; đồng thời, chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành có liên quan như: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan...
- 0 Bình luận