Thị trường hàng ngoại nhập không tem, nhãn phụ đang tự hình thành
Không mất quá nhiều công sức để PV ghi nhận tình trạng hàng ngoại nhập không đúng quy định, không gặp tem, nhãn phụ được bày bán công khai.
Hàng trôi nổi vẫn sống khoẻ
Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.
Dù đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể như vậy, nhưng thực tế của thị trường hiện nay lại cho thấy rằng những loại hàng được cho là nhập khẩu mà không có tem, nhãn phụ vẫn ung dung sống khoẻ. Không quá khó để tìm thấy một, hay nhiều chuỗi cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu mà hầu hết hàng hoá ở đó không đạt đủ tiêu chuẩn để được lên kệ.
Để có dẫn chứng cụ thể, PV đã khảo sát tại một cửa hàng tại số 250 Khương Trung (Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Tại đây, rất nhiều những sản phẩm nhập khẩu hoàn toàn không có tem, nhãn phụ được bày bán công khai.
Tư vấn viên của cửa hàng cho biết, có đến 4 - 5 loại sản phẩm sữa ngoại nhập khác nhau, mà theo quan sát, hầu hết những sản phẩm này đều không đạt quy chuẩn về tem, nhãn.
Quy mô của cửa hàng này không hề nhỏ, lại toạ lạc ở nơi nhiều người qua lại, rất thuận tiện cho hoạt động kinh doanh, buôn bán. Điều này có nghĩa là dù không cần chui lủi, nhưng một hoạt động trái với quy định đang diễn ra một cách công khai mà tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của lực lượng Quản lý thị trường.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, trao đổi, các chuyên gia thị trường, các đơn vị quản lý thị trường thường đưa ra lời khuyên rằng “Trước hết hãy là người tiêu dùng thông minh”. Nhưng thông minh bằng cách nào khi hàng trôi nổi vẫn tự do sống khoẻ còn công tác quản lý lại tỏ ra yếu ớt, hơn nữa, người tiêu dùng không thể thông minh hơn mảng miếng của những nhà doanh nghiệp “lươn lẹo”.
Trong một lần tỏ ra thông minh khi đặt câu hỏi “Vì sao hàng ngoại nhập mà không có tem, nhãn phụ gắn kèm?”, PV nhận được câu trả lời của nhân viên cửa hàng 250 Khương Trung “Đây là hàng xách tay nên không cần tem, nhãn phụ. Chúng em được phép bày bán”.
“Đế chế” hàng không tem, nhãn phụ
Không còn mang hình dáng của sự nhỏ lẻ, một vài doanh nghiệp nhập khẩu còn tự hình thành cho mình cả một chuỗi cửa hàng chuyên đồ ngoại nhập mà ở đó, những mặt hàng ngoại nhập không gắn tem, nhãn phụ là rất nhiều. Phải kể đến Cty CP Xuất nhập khẩu Lộc Hương (335 Âu Cơ, Nhật Tân, Tây Hồ, TP.Hà Nội) đã trang bị cả hệ thống gồm 3 cửa hàng tại các địa chỉ: 128A Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, TP.Hà Nội); số 322B Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, TP.Hà Nội) và một ở A19-LK6A Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông, TP.Hà Nội).
Các sản phẩm được bày bán trong chuỗi cửa hàng này cực kỳ đa dạng, nhưng nhiều nhất phải kể đến loại hàng sữa và mỹ phẩm. Những nhân viên bán hàng tại đây cho biết hàng chủ yếu được nhập khẩu từ các nước Châu Âu và Mỹ. Là một công ty nhập khẩu có quy mô, trên các bảng hiệu còn gắn chữ Sở KH&ĐT, nhưng rất nhiều những sản phẩm được bày bán tại đây không hề có tem nhãn phụ hay bất kỳ thông tin bằng tiếng Việt về nguồn gốc, xuất xứ, nhà nhập khẩu... như quy định.
Còn tại địa chỉ chính của Cty CP Xuất nhập khẩu Lộc Hương, PV cũng ghi nhận được rất nhiều sản phẩm sữa và mỹ phẩm không có nhãn phụ được lên kệ hoàn toàn công khai.
Việc bắt buộc sản phẩm ngoại nhập phải có gắn tem, nhãn phụ nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng có thể nhận biết nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán và lưu hành trên thị trường. Ngoài ra còn tránh sự trà trộn của rất nhiều hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhưng bằng một cách nào đó, những cửa hàng – chuỗi cửa hàng “hoành tráng” kiểu như của Cty CP Xuất nhập khẩu Lộc Hương vẫn ung dung tồn tại mà không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Mà với những thông tin PV đã ghi nhận, thì đây rõ ràng hoạt động công khai, rầm rộ trong suốt thời gian dài, nên không thể nói là cơ quan quản lý thị trường - ít nhất là các đội quản lý tại những địa bàn đã liệt kê ở trên không biết về thực trạng diễn ra. Do đó, nếu như không có sự ra tay triệt để, kiên quyết để xử lý tình trạng người tiêu dùng bị rơi vào ma trận, còn doanh nghiệp tự do vi phạm thì chính những đơn vị quản lý thị trường này cần tự xem xét lại năng lực quản lý của mình.
Nguồn: theo báo Thương Trường
- 0 Bình luận