Hàng lậu, hàng giả chèn ép dữ dội hàng sản xuất trong nước
Tại TP. Hồ Chí Minh, mặc dù gần đây các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng hàng nhập lậu, hàng giả vẫn tiếp tục dồn về với sổ lượng lớn và gây sức ép dữ dội đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT thành phố đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với số lượng lớn. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thuốc lá, quần áo, giày dép, đồng hồ, máy tính, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng… "Tình trạng buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả hoạt động ngày càng có tổ chức, hành vi vi phạm tinh vi do đó cơ quan chức năng khó triệt phá tận gốc những đường dây, ổ nhóm hoạt động mang tính chuyên nghiệp", ông Bách đánh giá.
Ngày 13/6, tại KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêu hủy một lượng lớn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị thu giữ từ những vụ vi phạm gần đây. Lượng hàng hóa được tiêu hủy gồm 12.845kg phân bón, hóa chất; 2.407 chiếc đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng; gần 1.200 chiếc điện thoại di động, mắt kính, túi xách, ví hàng hiệu; 89.524 chiếc nhãn giấy, vải, quần, áo; 1.550 máy trợ thính, đồ chơi trẻ em; 3.251kg thực phẩm; 50.129 sản phẩm mỹ phẩm; 29.731 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 20 tỷ đồng, trong đó hàng giả, hàng hóa không đủ điều kiện lưu thông chiếm hơn 19 tỷ đồng.
Chỉ một tuần (từ ngày 6-13/6/2018), Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã xử lý 125 vụ vi phạm về hàng hóa, trong đó vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ chiếm cao nhất với 31 vụ, sau đó là hàng lậu với 29 vụ.
Đơn cử, ngày 6/6, Đội QLTT 2A phát hiện cửa hàng 262/1A Phan Anh, quận Tân Phú kinh doanh 117 chiếc gọng kính hiệu Chanel, 110 chai nước hoa hiệu Chanel có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và 867 chiếc mắt kính, gọng kính không có hóa đơn chứng từ. Ngày 7/6, Đội QLTT Hóc Môn phát hiện cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm (101/3A ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Xuân) không có giấy phép và sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Đội đã tạm giữ 551 chiếc mũ bảo hiểm thành phẩm, 455 chiếc mũ bảo hiểm bán thành phẩm, 2.125 chiếc phụ kiện (vỏ nón, vỏ xốp, tem CR) và 101kg phụ kiện (đinh ốc, kính che, dây niềng)...
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 2.534 vụ vi phạm từ các cuộc kiển tra chuyên ngành và liên ngành. Chỉ riêng xử lý 1.819 vụ vi phạm chuyên ngành, số tiền bán hàng tịch thu, tiền thu lợi bất hợp pháp đã lên tới hơn 52 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi cục còn tổ chức tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá hơn 19 tỷ đồng, riêng số hàng tịch thu chờ bán khoảng 48 tỷ đồng. Không chỉ xử lý một lượng khủng hàng lậu, hàng giả, lực lượng QLTT thành phố còn chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự 5 vụ kinh doanh hàng cấm trị giá hàng hóa khoảng 1,2 tỷ đồng.
Các mặt hàng vi phạm với số lượng lớn vẫn là thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm chế biến. Đối với mặt hàng thuốc lá, từ đầu năm đến nay lực lượng QLTT thành phố đã xử lý 248 vụ vi phạm, thu giữ 87.843 bao thuốc lá nhập lậu, 45 chiếc xe gắn máy và 11 chiếc xe ô tô là phương tiện vận chuyển thuốc lá lậu.
Kiểm tra 708 vụ hàng lậu, tạm giữ 182.139kg thực phẩm, vải, hóa chất, dược liệu; 1.146 lít rượu trắng, hóa chất; 32.304 viên tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và 708.169 đơn vị sản phẩm các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Riêng hàng giả, đã kiểm tra 379 vụ vi phạm, tạm giữ 51.147 đơn vị sản phẩm quần áo, mắt kính, đồng hồ đeo tay, ví, túi xách. Về lĩnh vực thực phẩm, kiểm tra 282 vụ, đã có đến 268 vụ vi phạm. Hàng hóa vi phạm đã tịch thu 62.423kg đường cát, nầm heo, mứt, lạp xưởng; 19.480 đơn vị sản phẩm rượu, bia, nước giải khát, bánh, kẹo, sữa, bột nêm; 10.776kg đường cát, khô mực, nem nướng…
Ông Nguyễn Văn Đôn, Phó Giám đốc Công ty Mỹ phẩm T&N (quận Tân Phú) cho biết, trên thị trường TP. Hồ Chí Minh hiện nay các loại mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu, mỹ phẩm nhập lậu qua đường “hàng xách tay” bày bán tràn ngập từ các cửa hàng sang trọng đến vỉa hè với giá rẻ đã chèn ép và chiếm giữ thị phần của các DN trong nước ngày càng tăng. Theo ông Đôn, nếu Nhà nước không có đối sách đối với các loại mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm giả thì ngành sản xuất mỹ phẩm trong nước sẽ đối mặt với khả năng ngừng hoạt động.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc Kinh doanh Công ty Thời trang Nón Sơn cho rằng, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang gây tác hại lớn đến sản xuất trong nước là do mức xử phạt về hành vi gian lận trong lĩnh vực này rất thấp, do vậy không đủ sức răn đe và nhiều trường hợp đã tái phạm nhiều lần.
Nguồn: Thế Vinh- Báo công thương
- 0 Bình luận