CEO Nón Sơn: Quản lý thị trường ở đâu mà hàng giả tràn lan?

Một cơ sở làm giả có nhà xưởng quy mô, số lượng nhân công lớn, nhưng cơ quan quản lý trên địa bàn không biết.

Hội thảo phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sáng 21/11, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn ngành chức năng tăng xử phạt, thực thi đúng thẩm quyền trong quản lý, xử phạt hành vi làm hàng gian, giả.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn, nói đã phối hợp ngành chức năng bắt hàng chục nghìn sản phẩm nón giả, chủ yếu sản xuất tại TP HCM phân phối đi các tỉnh tiêu thụ.

Theo ông Tý, một cơ sở làm giả phải xây dựng nhà xưởng quy mô, số lượng nhân công lớn, đóng tại địa bàn có đầy đủ ban ngành quản lý mà vẫn sản xuất, tung ra thị trường ngang nhiên.

“Lực lượng Quản lý thị trường có nhiệm vụ nhưng các anh thực thi như thế nào, mà sản phẩm giả ngày đêm tung hoành trên địa bàn anh quản lý?”, ông Tý đặt vấn đề. Do đó, đại diện công ty Nón Sơn đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ rõ ràng cho những người đứng đầu các địa phương.

Ngoài ra, ông Tý cũng cho rằng biện pháp xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự hiện nay còn quá nhẹ đối với hành vi sản xuất hàng giả.

“Họ sản xuất hàng giả thu siêu lợi nhuận, nhưng xử phạt không ăn thua gì, năm sau họ lại tiếp tục làm giả”, ông Tý nói và khẳng định việc bị làm giả sản phẩm là nỗi đau đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cũng bức xúc vì bị làm giả sản phẩm, ông Trần Thanh Kha, Giám đốc cao cấp Công ty Bugi NGK Nhật Bản, cho hay công ty này đang gặp vấn nạn hàng nhái, hàng giả tinh vi hơn so với trước đây. Hàng bugi giả đang chiếm 20% thị trường.

“Chính phủ có chính sách bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, người tiêu dùng, chế tài nặng hơn hành vi sản xuất hàng giả. Người thực thi pháp luật cần thực hiện đúng và đủ theo thẩm quyền, giúp các công ty nước ngoài thấy tự tin để đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” – đại diện NGK đề nghị.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Công ty Unilever Việt Nam, đồng thời là đại diện Hiệp hội chống hàng giả doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nói vừa qua nhiều vụ việc phát hiện nhưng lực lượng quản lý thị trường lúng túng không biết áp dụng quy định nào để xử lý. Bà Lan đề nghị lực lượng chức năng cần cải thiện nghiệp vụ để tránh tốn thời gian, tiền bạc, công sức của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng cần sa thải công chức viên chức không làm được việc. Ông Dũng cũng đề nghị khi phát hiện hàng giả phải thông tin rộng rãi cả nước, tăng hình phạt lên thật nặng để triệt tiêu.

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM, cho biết mỗi năm lượng đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đều tăng. Năm nay đã có 50.000 đơn đăng ký nhãn hiệu, khoảng 140.000 đơn đề nghị xác lập quyền sở hữu công nghiệp…

Dù doanh nghiệp đã có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng tại TP HCM nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đang là "thiên đường" của hàng gian, hàng giả, ngành chức năng liên tục xử lý nhưng lại không triệt để.

Ông Khuê cũng cho hay hàng năm Việt Nam đều có báo cáo về quy định pháp luật với quốc tế, để tham gia các hiệp định đối tác thương mại. Dù quy định đã đầy đủ, nhưng đến khi thực thi có nhiều rào cản, nhất là vấn đề sở hữu trí tuệ.

Theo ông Khuê, Trung ương đang sửa đổi một số quy định để điều chỉnh, ban hành chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nguồn: Tuyết Nguyễn (vnexpress)

Viết Bình luận

Bài viết cùng danh mục: