Tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng tiếp tay cho hàng giả
TTO - Để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng khi mua sản phẩm nên yêu cầu người bán cung cấp thông tin nguồn gốc hàng hóa và hóa đơn chứng từ.
"Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp" là chủ đề buổi tọa đàm do Báo Công an nhân dân phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam (VTV9) tổ chức sáng 10-11.
Luật gia Phan Thị Việt Thu – Phó chủ tịch hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho biết có thực trạng nhiều người sính hàng ngoại, hàng thương hiệu rồi ra chợ đặt sản xuất, khoảng một tuần đã có những sản phẩm giống như những sản phẩm của các thương hiệu mà giá chỉ bằng khoảng 1/10. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến cho nạn hàng giả hàng nhái gia tăng.
Bên cạnh đó là do luật pháp lại còn nhiều sơ hở, bất cập trong quản lý, chế tài chưa đủ mạnh và chồng chéo chức năng nhiệm vụ các cơ quan.
Theo luật gia Việt Thu, hàng gian, hàng giả đang gia tăng và để lại nhiều hệ lụy như gây thất thu ngân sách, làm xấu môi trường kinh doanh, các nhãn hàng lớn bị ảnh hưởng về uy tín… Nhiều trường hợp mua hàng tại các trung tâm thương mại lớn vẫn mua phải hàng giả.
Còn đối với người tiêu dùng lại chưa có nhiều thông tin, khó phân biệt hàng thật, hàng giả. Ngoài ra, còn có tâm lý e ngại khiếu kiện khi mua phải hàng giả.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang - đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ, cũng nhận định hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện đa dạng về mẫu mã, giá cả, gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Bà Trang cho biết hầu hết các hãng uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thường có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Các thủ đoạn làm giả thay đổi liên tục, ngày càng tinh vi, thậm chí tem chống giả cũng bị làm giả.
Để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, theo luật gia Việt Thu, người tiêu dùng khi mua sản phẩm phải yêu cầu người bán cung cấp thông tin nguồn gốc hàng hóa và phải có hóa đơn chứng từ. Nếu phát hiện mua nhầm phải hàng gian, hàng giả, cần thông tin đầy đủ đến cho cơ quan Nhà nước.
Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng hướng dẫn cho người tiêu dùng đề phòng các thủ đoạn làm giả và kênh phân phối hàng giả, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa.
Khi phát hiện sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm giả, nhái, phải thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý.
Nguồn: Theo NGỌC LOAN (báo Tuổi Trẻ)
- 0 Bình luận